Can thiệp trẻ có nhu cầu đặc biệt

22/10/2024 Lượt xem: 152

Can thiệp trẻ có nhu cầu đặc biệt là một trong những lĩnh vực mà tổ chức nỗ lực thực hiện để góp phần xóa nghèo cho cộng đồng – nơi mà Trung tâm Thiện Chí đang thực hiện phát triển cộng đồng. Cái nghèo đến với con người với nhiều lý do khác nhau liên quan đến sức khỏe, kinh tế, giáo dục… Chúng ta có thể nhận biết rằng khi một gia đình – đặc biệt là gia đình nghèo, có con có rối loạn phát triển như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, khiếm thính, tăng động, Down, thiểu năng trí tuệ… thì áp lực về tâm lý cũng như kinh tế nặng nề. Chưa kể rằng nếu một đứa trẻ không được can thiệp sớm ngay từ nhỏ thì sau này, với bản thân các em, sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng, gần nhất là hòa nhập môi trường mẫu giáo và tiểu học, và có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khi có con cần giáo dục đặc biệt, người cha, người mẹ phải ở nhà chăm sóc con, chi trả nhiều chi phí cho can thiệp, thăm khám và chăm sóc. Vì thế, với người nghèo với gánh nặng này trên vai họ thì sự vươn lên thoát nghèo sẽ là một chặng đường dài hơn. Vì vậy, Thiện Chí nỗ lực và kiên trì từng ngày từng ngày – không bỏ lại các đối tượng yếu thế trong xã hội - để cùng với gia đình các em can thiệp để tương lai các em tốt hơn và để gia đình – người cha và người mẹ giảm gánh nặng, có thời gian làm kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống hướng đến xóa nghèo.

Chúng tôi bắt đầu làm việc với trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt từ năm 2008. Thời điểm này, chúng tôi nâng cao năng lực cho giáo viên trường tiểu học và xây dựng phòng can thiệp Hạnh Phúc – nơi mà các em khó khăn trong trường được can thiệp về kỹ năng sống và học tập – ngoài thời gian học trên lớp cùng bạn bè. Năm 2012, chúng tôi trực tiếp đến từng gia đình để dạy cho các em về chữ và số và tổ chức sinh hoạt nhóm về kỹ năng xã hội – gọi là chương trình hộp học tập cộng đồng. Năm 2017, chúng tôi can thiệp trực tiếp tại trung tâm cho các em khiếm thính – đây là tiền thân cho hoạt động can thiệp mà phụ huynh phải trực tiếp đưa con mình đến trung tâm can thiệp hàng tuần. Năm 2018, chúng tôi tham gia chương trình “Rút ngắn khoảng cách” của tổ chức LIN và xin được nguồn tài trợ và bắt đầu “can thiệp sớm” - ở lứa tuổi vàng 2-5 tuổi cho các dạng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt khác nhau. Hiện nay, chúng tôi đang duy trì can thiệp cá nhân và nhóm cho 37 trẻ với 03 nhân viên can thiệp – đã được đào tạo về giáo dục đặc biệt.

Vậy, sự tham gia của cộng đồng trong chương trình này như thế nào? Giáo dục là nền tảng để hướng đến xóa nghèo và giáo dục là lĩnh vực quan trọng mà xã hội đặc biệt quan tâm. Với sự kết nối liên ngành, khi có trẻ gặp khó khăn, trường mẫu giáo tham gia kết nối bằng cách giới thiệu trẻ đến trung tâm can thiệp và tạo điều kiện cho trẻ đi can thiệp vào thời gian học chính khóa tại trường – vì họ nhận thức được rằng khi trẻ can thiệp có kết quả tốt tại trung tâm thì trẻ sẽ tham gia học hòa nhập tại trường hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ tham gia bằng cách nỗ lực hằng ngày đưa con đi can thiệp, dạy thêm cho con tại nhà qua sự hướng dẫn của nhân viên trung tâm và hỗ trợ một phần kinh phí hàng tháng cho trung tâm duy trì chương trình. Và đặc biệt là cha mẹ sẽ là cầu nối giới thiệu trẻ có khó khăn tại địa phương đến can thiệp tại trung tâm.

Vậy chương trình này có sự bền vững? Đến hiện nay, nhiều trường hợp trẻ được can thiệp đã có những kết quả đáng mong đợi. Những em được can thiệp dạy trong chương trình học tập cộng đồng hiện nay đã đi làm và có thu nhập lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Các trẻ nhỏ đã nói chững chạc, giao tiếp tốt và hòa nhập tốt trong môi trường mẫu giáo, tiểu học. Cha mẹ của các em rất vui và đã yên tâm đi làm cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, cộng đồng tại huyện Đức Linh đã biết đến Thiện Chí với hoạt động can thiệp trẻ giáo dục đặc biệt – đây phải chăng là đã xây dựng được thương hiệu trong cộng đồng? Điều này thể hiện qua hoạt động cộng đồng giới thiệu các trẻ có khó khăn đến trung tâm can thiệp kịp thời. Chính nhờ sự lan tỏa về những trường hợp can thiệp hiệu quả và sự kết nối trong cộng đồng, sự chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức can thiệp trẻ giáo dục đặc biệt và sự tham gia hỗ trợ của cha mẹ giúp cho chương trình duy trì và phát triển bền vững hơn, trở thành một chương trình đặc biệt mà tổ chức thực hiện tại Việt Nam – mang ý nghĩa đặc biệt – xóa nghèo đặc biệt – sự kết nối, hỗ trợ cách đặc biệt – cho từng cá nhân trẻ đặc biệt trong thời gian nhất định – để tạo ra sự tác động đặc biệt trên trẻ, trên gia đình và cộng đồng tại thời điểm hiện tại và tương lai.

Bài viết khác

“GIEO HẠT – SINH TRÁI”

26/11/2024
42
Hôm nay, sau 4, 5 tháng miệt mài thăm non, hướng dẫn gia đình phối trộn cám và chuối ủ chua với men Emzeo, pha nước men Emzeo cho 3 chú heo con uống ngày nào giờ đây heo đã lớn hồng hào và suất chuồng để bán.

SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

26/11/2024
42
Khi trao đổi với mẹ, chúng tôi được biết bé gặp khó khăn khi tham gia học ở trường và có những hành vi chưa tốt tại trường nên nhà trường khó tiếp nhận bé. Khi đi khám bác sĩ, chẩn đoán em có khó khăn về rối loạn lan tỏa và chậm phát triển ngôn ngữ. Vốn từ đơn rất ít, và nói ê a không rõ từ. Trẻ có hành vi khóc và la to không dứt khi trẻ không chịu điều gì đó và hay nói “ôi không”. Khi bé muốn gì thì em kéo tay chỉ và người lạ không hiểu ý bé. Trẻ được chẩn đoán ở mức 19 tháng tuổi.

Sự nỗ lực can thiệp về học tập nay đã có kết quả

22/10/2024
112
Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm gia đình em Trần Đức Phương Trinh. Mẹ và em đều nhận ra chúng tôi là ai mặc dù đã nhiều năm trôi qua chúng tôi chưa gặp lại. Với nét mặt ấy và khuôn mặt dễ gần ấy toát lên trên cô bé 19 tuổi. Em Trinh – tham gia chương trình can thiệp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt từ năm 2013. Em ấy khó khăn về học và dính thắng lưỡi – nói ngọng ngịu. Mỗi lần can thiệp nói chuyện em đều chảy nước dãi và tay thì luôn đổ mồ hôi. Em cố gắng viết từng nét chữ, đọc từng âm vần thấy thật thương vô cùng.

Đây là một người phụ nữ có tinh thần lạc quan, dù mang nhiều bệnh nhưng chị vẫn có niềm hi vọng!!!

16/10/2024
116
Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn 7 - Nam Chính - Đức Linh - Bình Thuận. Lúc trước, mỗi khi tôi đến thăm chị đều than vãn đủ thứ: "em ơi, chị đau nhức, chóng mặt, người lúc nào cũng mệt, ăn uống không được...." Hôm ấy, tôi đến thăm gia đình, nhưng lần này không giống như những lần trước. Chị! Với gương mặt tươi tắn, đầy đặn và vui vẻ. "Em ngồi ghế chờ chị chút nha, chị đang lỡ tay nấu ăn" Tôi quay vào nhìn chị và ngạc nhiên vì chị nói với giọng điệu vui vẻ, tự tin hơn.

Tâm sự của hộ được hỗ trợ bảo hiểm y tế

16/10/2024
131
Anh Hoàng An Hải- Đông Hà: “Không có bảo hiểm y tế trong lòng luôn lo lắng, sợ bệnh. Mỗi lần bệnh có gắng ráng để vượt qua nhưng càng lo lắng càng bệnh nặng hơn. Mỗi lần bệnh thì mua đỡ thuốc giảm đau uống tạm cho qua. Nhiều lúc bệnh tôi không dám đi khám sợ phát hiện nhiều bệnh ra. Xin cám ơn Trung tâm đã hỗ trợ bảo hiểm y tế.”

Bước qua rào cản học vấn đầy khó khăn em Duyên chính thức tốt nghiệp

14/10/2024
176
Lê Thị Phương Duyên, sinh năm 2002 tại Thị trấn Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, là con gái trong một gia đình có bốn anh chị em. Bố của Duyên là thợ mộc, còn mẹ làm nội trợ và chăm sóc vườn thanh long với 500 trụ. Gia đình Duyên thuộc diện khó khăn của địa phương. Ba mẹ cô đã làm việc rất vất vả để nuôi các con đến ngưỡng cửa đại học, phải vay nhiều khoản tiền để trang trải học phí. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Duyên luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để không phụ lòng ba mẹ.