Thiện Chí cùng MoMo hỗ trợ vốn cho 244 hộ nghèo khó khăn có cơ hội phát triển kinh tế năm 2024

22/01/2024 Lượt xem: 734

Câu chuyện của cô Lành, xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận là minh chứng cụ thể cho hiệu quả mà đồng vốn mang lại cho các hộ gia đình khó khăn trong năm 2023. Cô Nguyễn Thị Lành, sinh năm 1959, một mình đôi vai nhỏ bé gầy yếu nuôi 4 người con khi chồng mất sớm. Tảo tần sớm hôm, khi các con cô trưởng thành, cũng lập gia đình riêng, nhưng vì cuộc sống của các con cũng quá khó khăn nên không giúp cô được nhiều. Cô còn phải lo cho một người con sinh năm 1985 khi anh không may bị tâm thần từ nhỏ. Gánh nặng trên vai người phụ nữ năm nay đã 65 tuổi nặng hơn bao giờ hết.

“Tôi muốn làm gì đó xung quanh nhà, để có thời gian chăm con, mà vay vốn thì nhiều quá, đi làm thuê thì rủi ở nhà nó có (người con bị tâm thần) chuyện gì”: Cô nói với ánh mắt đăm chiêu và nhiều nỗi buồn nặng nề. Cô nói tiếp: “Hồi trước cô đi làm thuê làm mướn để có tiền mua thuốc, ăn uống cho 2 mẹ con, nhưng cũng không đủ, mà con tôi không biết tự phục vụ, lại hay chạy ra ngoài, tôi chỉ còn cách nhốt nó ở nhà, đến giờ cho về ăn lại rồi đi làm”. Tuy cô Lành đã lớn tuổi, nhưng tinh thần mạnh mẽ và lòng yêu thương con cái và sự kiên nhẫn đã giúp cô vượt qua mọi giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Nhờ sự đồng hành của Siêu ứng dụng MoMo, Cộng đồng Heo Đất và các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong cả nước, Trung tâm Thiện Chí đã hỗ trợ cô nuôi 2 con heo con, giúp cô có vốn mua cám cho heo con ăn. Trung tâm Thiện Chí hỗ trợ cô suốt quá trình nuôi heo, sau đó tiếp tục giải ngân cho vòng tiếp theo, sau khi heo lớn, cô bán và trả vốn cho Thiện Chí, rồi lại tiếp tục cho một vòng vay mới.

Ngoài việc nuôi heo, với đồng vốn được hỗ trợ cô mua phân, thuốc trồng rau, cô Lành tận dụng mảnh đất 1 sào của gia đình để trồng rau. Cô có thể tự cung cấp thực phẩm cho gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, cô kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc bán rau cho bà con hàng xóm, còn dư cô mang ra chợ, giúp kinh tế gia đình cô trở nên dần ổn định hơn.

Sau 17 năm làm việc với cộng đồng khó khăn, Trung tâm Thiện Chí hiểu rõ cộng đồng hơn bao giờ hết. Nhu cầu của hộ khó khăn chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng. Sau khi hỗ trợ vốn, Trung tâm Thiện Chí sẽ tập huấn kiến thức cho hộ và thăm hộ hàng tháng để đảm bảo rằng hộ có đủ kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, và hạn chế tối đa rủi ro từ nguồn vốn vay. Vốn hỗ trợ cho bà con luôn luôn đảm bảo 0% lãi suất. Sự đồng hành từ Cộng đồng Heo Đất sẽ là món quà quý giá nhất cho cộng đồng nghèo trong năm mới 2024.

 

Bài viết khác

Đây là một người phụ nữ có tinh thần lạc quan, dù mang nhiều bệnh nhưng chị vẫn có niềm hi vọng!!!

16/10/2024
6
Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn 7 - Nam Chính - Đức Linh - Bình Thuận. Lúc trước, mỗi khi tôi đến thăm chị đều than vãn đủ thứ: "em ơi, chị đau nhức, chóng mặt, người lúc nào cũng mệt, ăn uống không được...." Hôm ấy, tôi đến thăm gia đình, nhưng lần này không giống như những lần trước. Chị! Với gương mặt tươi tắn, đầy đặn và vui vẻ. "Em ngồi ghế chờ chị chút nha, chị đang lỡ tay nấu ăn" Tôi quay vào nhìn chị và ngạc nhiên vì chị nói với giọng điệu vui vẻ, tự tin hơn.

Tâm sự của hộ được hỗ trợ bảo hiểm y tế

16/10/2024
9
Anh Hoàng An Hải- Đông Hà: “Không có bảo hiểm y tế trong lòng luôn lo lắng, sợ bệnh. Mỗi lần bệnh có gắng ráng để vượt qua nhưng càng lo lắng càng bệnh nặng hơn. Mỗi lần bệnh thì mua đỡ thuốc giảm đau uống tạm cho qua. Nhiều lúc bệnh tôi không dám đi khám sợ phát hiện nhiều bệnh ra. Xin cám ơn Trung tâm đã hỗ trợ bảo hiểm y tế.”

Bước qua rào cản học vấn đầy khó khăn em Duyên chính thức tốt nghiệp

14/10/2024
31
Lê Thị Phương Duyên, sinh năm 2002 tại Thị trấn Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, là con gái trong một gia đình có bốn anh chị em. Bố của Duyên là thợ mộc, còn mẹ làm nội trợ và chăm sóc vườn thanh long với 500 trụ. Gia đình Duyên thuộc diện khó khăn của địa phương. Ba mẹ cô đã làm việc rất vất vả để nuôi các con đến ngưỡng cửa đại học, phải vay nhiều khoản tiền để trang trải học phí. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Duyên luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để không phụ lòng ba mẹ.

BỔ SUNG DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN CHAỴ THẬN

07/10/2024
76
Trong suốt khoảng thời gian phát hiện bệnh, tuần nào cô cũng đi chạy thận 3 lần tại bệnh viện. Do chạy thận thời gian dài, sức khỏe cô không tốt, một lần cô bị té gãy chân, từ đó cô không đi lại được. Cô Lan thường xuyên bị đau nhức chân tay, mất ngủ triền miên, sức khỏe rất yếu. Nhờ vào nguồn tiền ủng hộ của Give. Asia hàng tháng của các mạnh thường quân, trung tâm Thiện Chí đã trích một phần tiền tài trợ mua thêm Canxi và bột dinh dưỡng Amway để cô sử dụng.

GIÚP PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH CHỊ NHI VÀ HỖ TRỢ BÉ SANG CAN THIỆP ĐẶC BIỆT

30/09/2024
78
Chị Phan Thị Mộng Nhi cư trú tại thôn 1 xã Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận đang tham gia vay vốn của Trung tâm Thiện Chí. Nhà chị có 4 khẩu. Chồng chị bị xuất huyết dạ dày, thường xuyên đi bệnh viện, rất tốn kém chi phí thuốc thang. Anh không đi làm thuê được nhiều vì cơn đau dạ dày thường xuyên tái phát. Lúc nào sức khỏe đỡ hơn một chút thì anh đi làm thuê làm mướn cho người ta, ai kêu gì làm nấy.

Can thiệp trẻ khó khăn về học trong chương trình hộp học tập cộng đồng và vay vốn

24/09/2024
102
Em Tăng Hùng An, sinh năm 2003 và anh sinh đôi là Tăng Hùng Nam sinh năm 2003 cư ngụ tại thôn 1B xã Trà Tân huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận. Hai anh em gặp khó khăn về ngôn ngữ và học tập. Mẹ An ngày xưa nghĩ rằng con mình sau này sẽ khờ khạo, nên rất lo lắng. Với mong muốn giúp con phát triển hơn mẹ đã tìm đến trung tâm và mong cầu sự giúp đỡ. Năm 2014, Thiện Chí đến thăm gia đình và khảo sát đánh giá cho 2 anh em thăm gia can thiệp. Vào giai đoạn đầu thật vất vả dường bao. Với trí nhớ ngắn, học trước quên sau, nhưng Thiện Chí và các em cùng nỗ lực cho từng con chữ. Em học từ khi lớp 3 cho đến lớp 6 thì nghỉ. Vào thời điểm lớp 6, em đã đọc, viết và làm toán thành thạo và Thiện Chí đánh giá cho em ra chương trình. Trong suốt thời gian can thiệp, mẹ các em vẫn kiên trì hằng ngày đi làm kiếm tiền để lo cho 4 anh chị em vì cha của các em đã qua đời. Mỗi bài tập Thiện Chí giao hàng tuần cho các em, mẹ đều nỗ lực để nhắc nhở và giúp cho các em hoàn thành và có chuyện gì khó khăn mẹ thường gọi điện để trao đổi cùng nhân viên dự án. Đây cũng là sự tham gia nỗ lực của gia đình trong học tập của con và cùng với Thiện Chí để giúp cho các em hòa nhập cộng đồng.